Châu Âu nới lỏng quy định, dự báo tình hình lạc quan về Covid-19

TờThe New York Post ngày 15.1 đưa tin nhiều nước châu Âu đang thay đổi cách tiếp cận SARS-CoV-2 theo hướng tiến tới đối phó Covid-19 như cúm mùa thông thường. Tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha và nhiều nước khác trong khu vực này, các chính trị gia cũng như nhiều chuyên gia y tế công đang thúc đẩy chiến lược xem Covid-19 như một phần của cuộc sống thường ngày.

Đỉnh dịch ?

Dù tình trạng nhập viện thấp hơn các làn sóng lây nhiễm trước đó nhờ tiêm vắc xin và biến chủng Omicron ít gây bệnh nặng, châu Âu vẫn chiếm khoảng một nửa trong tổng số ca nhiễm và tử vong hằng ngày trong đợt dịch mới nhất trên thế giới. Châu Âu hiện ghi nhận tổng cộng 101.625.000 ca nhiễm và 1.915.000 ca tử vong vì Covid-19.

    Hành khách trên tàu điện ngầm ở Barcelona, Tây Ban Nha

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron đang đi ngang hay thậm chí giảm xuống tại một số nơi. Số ca nhiễm trung bình hằng ngày của Anh trong tuần qua là 124.738, giảm 30.000 so với đỉnh điểm trước đó. Tây Ban Nha cho rằng số ca nhiễm đang ổn định, còn Pháp cũng dự báo sẽ sớm đạt đỉnh dịch. “Chúng ta đã thấy nhiều nơi đang hoặc đã đến đỉnh dịch hơi sớm hơn dự báo, nhưng nên nhớ rằng khu vực này rất đa dạng”, theo ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Giới chức Thụy Điển và Thụy Sĩ cũng dự báo đợt dịch trong nước sẽ đạt đỉnh trước thời điểm cuối tháng 1. “Chúng ta có thể đạt đỉnh dịch trong 2 tuần tới nếu mọi người tiếp xúc ở mức hiện tại”, theo chuyên gia Tanja Stadler - người đứng đầu lực lượng chuyên trách về đối phó Covid-19 ở Thụy Sĩ. Giới chuyên môn cho rằng xu hướng mới tại châu Âu phản ánh làn sóng lây nhiễm Omicron tại châu Phi. Theo WHO, biểu đồ Covid-19 ở châu Phi đã đi ngang, cho thấy đây là đợt lây nhiễm có thời gian gia tăng ngắn nhất kể từ đầu dịch.

Nới lỏng

Với dự báo tình hình khả quan hơn, nhiều nước đang nới lỏng các quy định phòng dịch. Tại Anh, theo tờ The Telegraph, Thủ tướng Boris Johnson dự định dỡ bỏ Kế hoạch B về giới hạn Covid-19. Kế hoạch này được đưa ra vào tháng trước nhằm đối phó biến thể Omicron, gồm quy định buộc người lao động làm việc tại nhà, đeo khẩu trang nơi công cộng và sử dụng thẻ xanh Covid-19 để đến một số địa điểm công cộng. Trước đó, ông Johnson nhấn mạnh rằng Anh có thể chịu được đợt gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mà không cần đóng cửa nền kinh tế, đồng thời bác bỏ khả năng áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Tại Pháp, số bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc tăng cường đã giảm 2 ngày liên tiếp, xuống còn 3.895 bệnh nhân vào ngày 14.1, dù số ca nhiễm mới tăng lên gần 294.000 vào một ngày trước đó. Từ ngày 14.1, Pháp chào đón các du khách Anh trở lại, sau quy định giới hạn áp dụng từ tháng 12 chỉ cho phép những trường hợp đi lại thực sự cần thiết. Cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo cho phép mở lại các cửa hiệu, tiệm làm tóc và phòng tập thể hình cho đến 17 giờ hằng ngày. Trong khi đó, các quán bar, nhà hàng và địa điểm văn hóa vẫn phải đóng cửa ít nhất đến ngày 25.1.

Đáng chú ý, Cộng hòa Czech sẽ cho phép những nhân viên y tế và dịch vụ xã hội thiết yếu được làm việc ngay cả khi họ nhiễm Covid-19 không biểu hiện triệu chứng. Những người này sẽ chỉ được phép đi lại giữa nhà và nơi làm việc, đeo khẩu trang và ăn uống trong phòng riêng. Bộ Y tế nước này trước đó còn dự định cho phép người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng được làm việc trong các lĩnh vực khác như dịch vụ khẩn cấp, cảnh sát và ngành công nghiệp năng lượng.

Uruguay cho người nhiễm Covid-19 nhập cảnh

Uruguay quyết định mở cửa biên giới đối với công dân và người thường trú từ nước ngoài nhập cảnh ngay cả khi họ đang nhiễm Covid-19, dù hành khách sẽ phải đi xe riêng qua biên giới và di chuyển theo “hành lang gia đình”, theo Reuters ngày 15.1. Với dân số 3,5 triệu, Uruguay ghi nhận mức kỷ lục là 10.000 ca nhiễm Covid-19 vào ngày 13.1, với tổng cộng 483.820 ca nhiễm và 6.211 ca tử vong kể từ đầu dịch. Khoảng 77% dân số nước này đã tiêm đủ vắc xin Covid-19.
Nguồn: https://thanhnien.vn/